Những Kiến Thức Phong Thủy Cơ Bản Cần Biết Khi Làm Nhà

Tìm Hiểu Và Nghiên Cứu Phong Thủy Trong Thiết Kế Công Trình

Nhà ở là một tổ hợp những công trình nhân tạo và tự nhiên như không gian sinh hoạt bên trong nhà và khu sân vườn, ao hồ, cây cỏ, hòn non bộ bên ngoài nhà… Do vậy trong việc xây dựng hoặc mua nhà ở, bên cạnh các yếu tố cơ bản giống như những nhà ở thông thường khác thì cũng có những đặc điểm riêng rất quan trọng mà chủ nhà cần nắm vững để đảm bảo cuộc sống tiện nghi, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

 

I. Những tiêu chí cơ bản về phong thủy cần nắm vững khi làm nhà :

Thực ra Phong Thủy cũng như các ngành khoa học khác, đều xuất phát từ những yếu tố rất cơ bản, đơn giản và thiết thực. Nếu không thiết thực cho đời sống người dân và vu vơ mê tín thì khoa phong thủy đã không tồn tại được cho đến ngày nay vì người ta chỉ tin và thực hành theo những gì có lợi cho bản thân, gia đình mình và cộng đồng. Sau đây là năm tiêu chí cơ bản về phong thủy khi thiết kế và xây dựng nhà ở :

1. Tính tổng hợp :

  • Xem xét rất nhiều phương diện để tạo lập môi trường sống tốt nhất. Xét về chữ nghĩa thì Phong là gió, mang tính động, thuộc dương còn Thủy là nước, mang tính tĩnh, thuộc âm. Gió – nước, âm – dương phải tương giao thì Thổ Trạch mới hài hòa.

2. Tính linh hoạt :

  • Không có ngôi nhà hay cuộc đất nào là tốt hoặc xấu hoàn toàn mà phải tùy thuộc vào truờng hợp cụ thể, thậm chí có thể xấu với người này nhưng người khác lại thấy tốt, thấy phù hợp với mình. Khi gặp tình huống bất lợi, luôn có các giải pháp khắc phục sao cho ít tàn phá môi trường, dựa vào thiên nhiên, giảm thiểu công sức, chi phí.

3. Tính quân bình :

  • Luôn giữ tỷ lệ hợp lý của các thành phần không gian, không quá thiên lệch, đảm bảo cân bằng âm dương, động tĩnh trong môi trường ở. Cần xác định cân bằng chứ không phải cào bằng, phải có chính phụ.

4. Tính ổn định :

  • Phong Thủy vốn xuất phát từ đời sống định cư của dân làm nông nghiệp, do đó chọn đất cất nhà cha ông ta luôn nhắm đến tương lai xa, mong con cháu được phát triển vững bền. Sự ổn định trong Phong Thủy hiện đại cần hiểu là giảm thiểu biến cố, phát triển lâu dài.

5. Tính tâm linh :

  • Xem trọng yếu tố tín ngưỡng và đời sống tinh thần. Hướng nội và luôn tưởng nhớ tiền nhân (thờ cúng, giáo dục truyền thống). Phong Thủy cũng là một “liệu pháp” tâm lý hiệu quả nên vẫn có một số thủ pháp mang tính “an thần” nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người cư ngụ.

II. Những yếu tố cơ bản về phong thủy cần lưu ý khi làm nhà :

Các gia chủ cần phân biệt đâu là giải pháp Phong Thủy, đâu là tín ngưỡng dân gian. Việc sắp xếp một ngôi nhà sao cho thoáng mát, thuận tiện sinh hoạt, hợp lý đối với các thành viên cư trú luôn là điều cần làm, nhưng việc cúng bái, dán bùa … lại thuộc về tín ngưỡng dân gian, tùy theo tập tục và đức tin của mỗi vùng, mỗi người. Chúng ta tôn trọng nhưng không lẫn lộn với các giải pháp Phong Thủy đích thực. Sau đây là ba yếu tố phong thủy cơ bản cần lưu ý khi làm nhà :

1. Thế đất bao gồm vị trí, cao độ, độ dốc, hình dáng :

  • Đây là yếu tố rất quan trọng đối với bất cứ công trình xây dựng nào và cũng đặc biệt quan trọng đối với một căn nhà. Trước hết thế đất có ảnh hưởng đến thời gian thi công ,độ bền chất lượng công trình và sau đó là ảnh hưởng về mặt phong thủy. Ngôi nhà được xây trên thế đất bằng phẳng sẽ chịu lực tốt hơn và công trình có tuổi thọ lâu hơn. Nếu xây trên thế đất nghiêng, dốc sẽ khiến cho người sống trong đó luôn có cảm giác lo âu, không an toàn.
  • Nếu như căn nhà xây dựng trên địa hình đất dốc thì cần lưu ý hướng của dốc với hướng của công trình. Tốt hơn cả là lưng nhà tựa vào dốc và mặt quay nhìn xuống dốc. Điều đó tượng trưng cho sự nghiệp và gia đình của bạn có chỗ dựa, có lợi đối với việc phát triển sự nghiệp của gia chủ.
  • Ngoài ra, nên chọn nơi thế đất cao để xây biệt thự vì nếu thế đất thấp ngoài việc bị lụt lội mùa mưa còn dễ bị ẩm mốc vào mùa hè. Điều đó vừa khiến công trình nhanh xuống cấp lại vừa làm ảnh hưởng sức khỏe người ở.

2. Yếu tố sơn thủy hay địa chất thủy văn :

  • Một mảnh đất lý tưởng để xây nhà là nơi phía trước có sông bao bọc, phía sau có núi đẹp làm chỗ tựa. Sơn bao thủy bọc mới khiến mảnh đất cư trú ấm, mát và tụ khí. Ở đồng bằng không có đồi núi thì chỉ cần có nguồn nước xung quanh là đủ.
  • Nguồn nước tự nhiên gồm sông, suối phải là dòng nước chảy có nguồn vì nếu là ao tù nước đọng sẽ có hiện tượng tích tụ, không thoát khí … gây ô nhiễm và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của gia chủ. Nhưng nếu nước chảy quá mạnh thì lại cũng khiến khí không tụ trong mảnh đất được. Do vậy tốt nhất là dòng nước chảy lững lờ êm ả.
  • Nguồn nước nhân tạo gồm hồ bơi, đài phun nước chỉ nên bố trí ở bên trái hướng nhà (tức là vị trí Thanh Long). Đặc biệt đại kỵ bố trí ở bên Bạch Hổ (tức bên phải hướng nhà). Tuyệt đối không bố trí các nguồn nước nhân tạo ở hướng tây bắc mảnh đất bởi lẽ phong thủy coi phương tây bắc là cửa trời (Thiên Môn) cho nên rất kỵ khi mảnh đất bị khuyết mất góc tây bắc. Ngoài ra cũng không được bố trí ở phía sau hay phía trước nhà vì để phía sau thì khuyết hậu mà để phía trước thì tạo thành thế âm thịnh dương suy.

3. Yếu tố minh đường :

  • Theo truyền thống của ông bà xưa để lại, tại sao khi xây nhà cứ phải lựa chọn hướng Nam hoặc Đông Nam ? Bởi vì trong quan niệm phong thủy ,phía Đông là Thanh Long, phía Tây là Bạch Hổ, phía Bắc là Huyền Vũ và phía Nam là Chu Tước. Hai bên Đông Tây là Long Hổ, phương Nam là minh đường. Mặt khác minh đường là khu vực quản tài lộc của một thế đất vì vậy theo phong thủy thiết kế nhà ở phải để trống đất ở hướng Nam để tạo minh đường thu hút tài lộc cho gia chủ.
  • Nếu như trồng được cây, hoa vào minh đường thì lại càng tốt nhưng không nên trồng cây quá nhiều ở vườn hoa trước mặt để tránh cản trở khí lưu thông. Đồng thời không trồng các loại hoa có gai nhọn để tránh tạo thành sát khí.

III. Những điều kiêng kỵ cơ bản cần tránh khi làm nhà :

Các cụ xưa có câu ”có thờ có thiêng, có kiêng có lành” chính vì vậy mà khi thiết kế và xây dựng bất kì một căn nhà nào, gia chủ cũng đều phải quan tâm đến những vấn đề xấu gây tác hại đến công trình cũng như con người. Từ đó chúng ta cần đưa ra các giải pháp tránh né và hóa giải để giảm thiểu các tác động tiêu cực. Sau đây là bảy điều kiêng kỵ cơ bản cần tránh khi làm nhà :

1. Không nên nhà xây quá cao so với các khu vực xung quanh :

  • Khi chọn nhà cần quan sát môi trường xung quanh một cách cẩn thận. Nếu ngôi nhà của bạn quá cao và bốn bên lại không có một chỗ dựa nào thì sẽ không được che chắn, thiếu kín đáo, tạo tâm lý bất ổn cho người trong nhà, đồng thời dương thịnh âm yếu, âm dương không điều hòa cũng ảnh hưởng đến sức khỏe những người trong gia đình, không tốt cho phong thủy. Nếu sống lâu trong những ngôi nhà như thế này sẽ khiến bạn có tâm lí cô đơn, hiu quạnh. 

2. Không nên xây mái nhà hình tròn và trong suốt :

  • Trong quan niệm của người xưa thì trời tròn, đất vuông tức hình tròn là động, hình vuông là tĩnh. Nhà ở nên tĩnh chứ không nên động. Chính vì thế những ngôi nhà có mái hình tròn chỉ thích hợp để làm văn phòng công ty chứ không thích hợp dùng để ở. Ngoài ra, kiến trúc của những ngôi nhà dùng toàn bằng kính chỉ thích hợp với không gian văn phòng không có sự riêng tư, chứ không thích hợp đối với nhà ở.

3. Không nên xây tường bao quanh nhà quá cao :

  • Tường bao quanh nhà xây quá cao không những làm hỏng bố cục nhà mà còn khiến cho người trong nhà có cảm giác như bị nhốt, sẽ dẫn đến nghèo túng. Về thẩm mỹ, tường xây quá cao còn che mất cửa sổ, mái nhà và nóc nhà, tạo cảm giác bức bách, khó khăn trong việc lấy ánh sáng và thông gió. Vì vậy, khi xây nhà, không nên để tường bao quanh nhà cao quá 2m và nên để cách nhà khoảng 50cm trở lên

4. Không nên sơn tường nhà màu trắng, đen và ngói xanh :

  • Kiến trúc của ngôi nhà tuyệt đối kỵ dùng tường trắng, đen ( nên để mầu trắng vàng hoặc màu trắng xám) và ngói xanh vì những màu này đa số dùng trong những linh đường, nhà mồ mả, nhà tưởng niệm … không thích hợp dùng để trang trí những ngôi nhà để ở.

5. Không nên thiết kế hành lang bao xung quanh căn nhà :

  • Thiết kế nhà thông thường phải mang những đặc sắc riêng, thế nên người ta hay dùng hành lang, tường vây, hòn non bộ…để trang trí. Tuy nhiên trong phong thủy học, trừ những nơi như công viên hay trang viên rộng lớn ra thông thường nên tránh thiết kế hành lang dài và uốn quanh nhà vì hành lang này sẽ làm đứt khí trong nhà.

6. Không nên để cửa chính quá thấp :

  • Nhà nhỏ mà cửa lớn đương nhiên là bất lợi, song nếu ngày nào cũng đi qua đi lại một cái cửa quá thấp thì cũng không thuận tiện cho việc đi lại. Ngoài ra cửa cao, thoáng còn tác dụng mang nhiều vượng khí (khí dương) và năng lượng tốt hơn vào căn nhà.

7. Không nên trồng cây to trước cửa nhà :

  • Cổ nhân nói trước cửa có cây to hay cột điện là điềm dữ vì cây cổ thụ gây khó khăn trong việc đi lại, chắn khí dương vào nhà, để âm khí tích tụ khó thoát ra. Đồng thời nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu như rễ của các loại cây to sẽ nhanh chóng phát triển rồi ăn sâu vào phần sân và móng nhà, chúng có thể làm hỏng các công trình phụ của gia đình bạn hoặc trong các đợt thiên tai, bão lũ dễ làm gãy đổ dẫn tới hư hỏng nhà cửa và nguy hiểm đến tính mạng con người. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng sự che chắn của cành lá, dễ quan sát và trèo vào nhà, gây phiền toái cho gia đình. 

Trên đây là bài viết của công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Villa House tư vấn về những kiến thức Phong Thủy cơ bản cần biết khi làm nhà. Chúng tôi mong rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC VÀ NỘI THẤT VILLA HOUSE

Trụ Sở Miền Bắc : số nhà 81, ngõ 189 ,đường Giảng Võ, phường Ô Chợ Dừa, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chi Nhánh Miền Nam : số nhà 34, ngõ 185, đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

 Website : http://villahouse.com.vn

 Email villahousevn@gmail.com

 Hotline 0388977099

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!